Biệt dược: Ciprobay, Ciplox, Amfacin, Cixapro, Cenpro, Hadipro.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B3
* Phân loại mức độ an toàn B3 : thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.
Nhóm thuốc: kháng sinh nhóm fluoroquinolon.
Tên hoạt chất: ciprofloxacin.
Chỉ định: Nhiễm khuẩn nặng mà kháng sinh thông thường không còn tác dụng, trên các chủng vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm: viêm đường tiết niệu trên và dưới, nhiễm khuẩn đường mật, vết cắn hoặc côn trùng đốt bị nhiễm khuẩn, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn xương khớp, viêm tai – mũi – họng, viêm xương – tủy xương, viêm màng trong tim, viêm phúc mạc, viêm hô hấp dưới do Pseudomonas ở người xơ nang tuyến tụy, trừ do S.pneumoniae, nhiễm khuẩn da do Gram(-). Dùng tại chỗ điều trị nhiễm khuẩn mắt và tai.
Chống chỉ định:
Tiền sử quá mẫn ciprofloxacin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc quinolone khác.
Người mang thai và cho con bú, trừ khi không còn lựa chọn khác.
Liều và cách dùng:
Trên người lớn, thông thường uống 250 – 750 mg, cách 12h một lần. Liều và thời gian điều trị có thể thay đổi tùy bệnh.
Chuyển hóa:
Thuốc thải trừ chủ yếu vào nước tiểu, ngoài ra còn vào mật.
Ciprofloxacin qua được nhau thai, có phát hiện được thuốc trong dịch ối và huyết thanh dây rốn.
Ciprofloxacin có vào sữa mẹ và có thể đạt đến nồng độ gây hại cho trẻ.
Độc tính
Ở PNCT: Chưa thấy nguy cơ gây quái thai hoặc độc tính sinh sản trên động vật thí nghiệm hoặc trên người. Tuy nhiên do thuốc có liên quan đến thoái hóa sụn ở động vật còn non trong các nghiên cứu trên động vật. Do bằng chứng trên người vẫn chưa đầy đủ nên chưa loại trừ được nguy cơ thuốc có thể gây hại cho sụn khớp của thai nhi và các tổ chức đang phát triển của thai.
Ở PNCCB: Fluoroquinolon như ciprofloxacin từ trước tới nay ít dùng cho trẻ sơ sinh vì lo ngại tác dụng phụ trên các khớp xương đang phát triển của trẻ. Vì vậy lo ngại khi dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú cũng tương tự vì thuốc vào được sữa mẹ. Tuy một số nghiên cứu cứu chỉ ra có ít nguy cơ do calci trong sữa có thể là giảm hấp thu của thuốc vào sữa mẹ nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận.
Dùng thuốc tại chỗ (nhỏ mắt) ít có khả năng gây hại cho trẻ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Các kháng sinh quinolone nói chung không phải ưu tiên lựa chọn trong thời kỳ này, do vậy nên tìm kháng sinh thay thế, và chỉ nên dùng ciprofloxacin trong nhiễm khuẩn nặng mà không có kháng sinh khác thay thế.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú : chỉ sử dụng trong nhiễm khuẩn nặng mà không có kháng sinh khác thay thế.
Các quinolone nói chung và ciprofloxacin nói riêng không phải chỉ định kháng sinh ưu tiên trong thời kỳ này, tuy nhiên nếu buộc phải dùng thì ciprofloxacin vẫn là quinolone được ưu tiên hơn cả do có nhiều bằng chứng nhất.
Nếu phải dùng, một số tài liệu khuyến cáo ngưng cho con bú. Nếu vẫn duy trì cho con bú khi đang dùng thuốc, nên tránh cho con bú trong 3 – 4 giờ sau khi uống liều để tối thiểu hóa tiếp xúc của trẻ với thuốc; đồng thời theo dõi các dấu hiệu của tổn hại hệ vi khuẩn đường ruột như: ỉa chảy, nấm candia, phát ban tã.
Một số tác dụng phụ: Thuốc dung nạp tốt, tác dụng phụ chủ yếu trên tiêu hóa, thần kinh trung ương và da, bao gồm: chóng mặt, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng; buồn nôn, nôn, ỉa chảy; có thể có ban, ngứa.
Chú ý (nếu có): Nên duy trì uống đủ nước khi điều trị bằng ciprofloxacin.