Biệt dược: Bicebid, Amyxim, Midoxime, Cemax, Cerat, Acicef, Fixma.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B (FDA)
* Phân loại mức độ an toàn B (FDA): Thuốc đã được chứng minh không gây dị tật thai nhi trên động vật thực nghiệm. Thuốc đã được dùng cho một số lượng có hạn phụ nữ có thai và không cho thấy làm tăng tỷ lệ dị tật và gây hại cho thai nhi.
Nhóm thuốc: kháng sinh cephalosporin thế hệ 3.
Tên hoạt chất: cefixim.
Chỉ định: Nhiễm khuẩn tiết niệu không biến chứng, viêm tai giữa cấp, viêm họng và viêm amidan, viêm phế quản cấp và mạn, viêm phổi nhẹ đến vừa, bệnh lậu chưa có biến chứng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
Chống chỉ định: Tiền sử dị ứng cefixim hoặc các kháng sinh cephalosporin khác. Người bệnh có tiền sử sốc phản vệ với penicillin hoặc dị ứng thành phần của chế phẩm.
Liều và cách dùng:
Thường dùng liều 200 – 400 mg/ngày, có thể dùng 1 lần hoặc chia 2 lần dùng cách nhau 12 giờ.
Chuyển hóa:
Thuốc đào thải 20% dạng còn hoạt tính qua nước tiểu, còn lại có thể thải vào mật, phân.
Thuốc có qua nhau thai. Chưa rõ thuốc có vào sữa mẹ không.
Độc tính
Ở PNCT: Nghiên cứu trên động vật ở liều thuốc tới 400 g không cho thấy dị dạng thai hoặc tác hại đến thai. Cho đến nay chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn của cefixim ở phụ nữ mang thai, trong lúc chuyển dạ và lúc đẻ.
Ở PNCCB: Chưa khẳng định được chắc chắn thuốc có vào sữa mẹ không và tác hại có thể có trên trẻ bú mẹ là gì. Đã từng có báo cáo thuốc ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ, dẫn tới tiêu chảy và phát ban tã, tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Chỉ sử dụng cefixime khi thật cần thiết.
Nói chung, tương tự như các penicillin, cephalosporin là nhóm kháng sinh ưu tiên lựa chọn trong thời kỳ mang thai trong đó ưu tiên hơn là cephalexin, cefuroxime hoặc cefaclor.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Các kháng sinh cephalosporin nói chung vẫn là nhóm được ưu tiên lựa chọn trong thời kỳ này. Tuy nhiên trong nhóm, không phải là cefixim, mà cefuroxime và cephalexin mới là hai kháng sinh được ưu tiên hơn do nhiều bằng chứng về tính an toàn đã được thiết lập và đều đã được sử đụng trong một thời gian dài.
Kháng sinh cephalosporin nói chung ít có khả năng ảnh hưởng tới trẻ bú mẹ, tuy nhiên do thông tin về điều này còn hạn chế, cần thận trọng khi sử dụng và một số tài liệu khuyến cáo có thể nên ngưng cho con bú trong thời gian dùng thuốc để đảm bảo chắc chắn không gây hại cho trẻ. Nếu như vậy, chỉ nên cho trẻ bú trở lại sau khi kết thúc điều trị ít nhất 1 ngày.
Một số tác dụng phụ: thuốc thường dung nạp tốt, thường thoáng qua, nhẹ và vừa. Có thể tới 30% người bệnh bị rối loạn tiêu hóa mức độ chủ yếu là nhẹ và vừa, bao gồm: ỉa chảy phân nát, khô miệng, đau bụng nôn buồn nôn, đầy hơi, ăn không ngon. Có thể có đau đầu, bồn chồn, mệt mỏi. Ít gặp ỉa chảy nặng, phản ứng phản vệ.
Chú ý (nếu có): Khi có suy thận cần hiệu chỉnh liều cho phù hợp.