Biệt dược: Biovon, Bisolvon, Disolvan, Besolvin, Bromhexin, Agi-bromhexin.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: A
*Phân loại mức độ an toàn A: thuốc đã được nhiều phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng và không quan sát thấy bất kì sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hay gián tiếp khác đến thai nhi.
Nhóm thuốc: Thuốc long đờm.
Tên hoạt chất: bromhexin hydroclorid.
Chỉ định: Rối loạn dịch tiết phế quản, nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính. Bromhexin thường dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh, khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.
Chống chỉ định: Mẫn cảm bromhexin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Liều và cách dùng: 8 – 16 mg/lần, 3 lần/ngày. Thời gian điều trị không quá 8 – 10 ngày nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Chuyển hóa:
Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan, thải trừ 85-90% qua nước tiểu.
Thuốc có qua được nhau thai một lượng nhỏ.
Chưa biết bromhexin có tiết vào sữa mẹ hay không.
Độc tính
Ở PNCT: Chưa nghiên cứu tác dụng quái thai của bromhexin ở động vật thí nghiệm. Chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát về sử dụng bromhexin trên người mang thai. Tuy nhiên với kinh nghiệm sử dụng cho tới nay, các chất tiêu đờm như acetylcystein, ambroxol, bromhexin có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai mà không gây ra nguy cơ quái thai.
Ở PNCCB: Thuốc nói chung dùng an toàn, dung nạp tốt trên phụ nữ cho con bú.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Bromhexin có thể sử dụng được trong thời kì mang thai. Một số tài liệu khuyến cáo không dùng cho người mang thai nhằm tránh nguy cơ có thể xảy ra do tài liệu về tính an toàn trên người và động vật vẫn còn hạn chế.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Nếu có chỉ định, Acetylcystein, ambroxol và bromhexin đều là các thuốc lựa chọn trong thời kỳ cho con bú. Một số tài liệu khuyến cáo không khuyến cáo dùng bromhexin cho phụ nữ nuôi con bú và nếu cần dùng, tốt nhất là không cho con bú để tránh nguy cơ. Nếu như vậy, chỉ nên cho trẻ bú trở lại sau ngưng điều trị ít nhất 2 – 3 ngày.
Một số tác dụng phụ: Ít gặp tác dụng phụ: đau thượng vị, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu chóng mặt, ban da mày đay. Hiếm gặp: khô miệng
Chú ý (nếu có): Cần tránh phối hợp bromhexin với các thuốc ho vì nguy cơ ứ động đờm ở đường hô hấp. Thận trọng khi dùng ở người có tiền sử loét dạ dày do tác dụng tiêu nhầy, nguy cơ hủy hoại niêm mạc dạ dày. Thận trọng ở người suy gan, suy thận. Thận trọng ở người bệnh hen, vì bromhexin có thể gây co thắt phế quản.