Biệt dược: Aspegic, Aspirin, Opeaspirin, Aspilets EC, Aspifar, Ascard-75.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: C
*Mức độ an toàn loại C: thuốc có bản chất dược lý gây ra hoặc nghi ngờ gây ra các tác hại lên thai nhi hoặc trẻ sơ sinh nhưng không gây dị tật thai nhi. Các tác hại này có thể hết sau khi dừng thuốc.
Nhóm thuốc: thuốc giảm đau salicylate, thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế kết tập tiểu cầu.
Tên hoạt chất: Aspirin (Acid acetylsalicylic).
Chỉ định:
Giảm đau nhẹ và vừa, giảm sốt, tuy nhiên do tỉ lệ tác dụng phụ cao trên hệ tiêu hóa nên thường được thay thế bằng paracetamol.
Điều trị viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp.
Do tác dụng chống kết tập tiểu cầu, liều thấp sử dụng trong nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, dự phòng biến chứng tim mạch và mạch máu não như đột quỵ
Chống chỉ định:
Hen và tiền sử hen, viêm mũi hoặc mày đay do nguy cơ dị ứng aspirin. Loét dạ dày tá tràng tiến triển, suy tim vừa và nặng, suy gan, xơ gan, suy thận. Bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu.
Liều và cách dùng:
Giảm đau, hạ sốt: uống 300 – 900 mg, mỗi 4-6h, tối đa 4 g/ngày.
Chống viêm: có thể 4 – 8 g/ngày trong viêm cấp.
Ức chế kết tập tiểu cầu: 75 – 150 mg/ngày trong dự phòng dài hạn, có thể dùng liều khởi đầu 150 – 300 mg/ngày trong đợt cấp.
Chuyển hóa:
Aspirin chuyển hóa chủ yếu qua gan và bài tiết qua thận ở cả dạng tự do và liên hợp.
Aspirin bài tiết vào sữa mẹ một lượng nhỏ, với tỉ lệ thuốc trong sữa/huyết tương nhỏ hơn 1/10.
Độc tính
Ở PNCT: Dữ liệu hiện có trên người chưa cho thấy bằng chứng về tác động nghiêm trọng gây quái thai của aspirin trên thai nhi; tuy nhiên, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy liều cao có liên quan với các dị tật cấu trúc cơ thể.
Một số bằng chứng khác trên người cho thấy sử dụng aspirin ở thời điểm thụ thai có thể liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai. Sử dụng aspirin liên tục aspirin từ tuần thai 28 trở đi có thể dẫn tới hẹp hoặc đóng ống động mạch sớm; đồng thời gây trì hoãn chuyển dạ, tăng nguy cơ chảy máu cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Một số bằng chứng cho thấy liều thấp (50-150 mg/ngày) sử dụng ở trước tuần 16 thai kỳ có thể mang lại lợi ích trong ngăn ngừa tăng huyết áp và tiền sản giật thai nghén, sinh non đồng thời chưa cho thấy nguy cơ chảy máu nhiều khi sinh.
Ở PNCCB: Tuy aspirin có bài tiết vào sữa mẹ nhưng liều điều trị bình thường rất ít nguy cơ xảy tác tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, một số bằng chứng đơn lẻ chưa chắc chắn cho thấy trẻ bú mẹ có thể có bị nhịp tim nhanh, thở nhanh, toan chuyển hóa, rối loạn chức năng tiểu cầu và hội chứng Reye.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Aspirin không phải thuốc giảm đau hoặc chống viêm được lựa chọn ưu tiên trong thời gian mang thai. Paracetamol phù hợp hơn để giảm đau hạ sốt, còn ibuprofen và diclofenac phù hợp hơn để điều trị viêm.
Không nên sử dụng thường xuyên để giảm đau hoặc chống viêm ở 3 tháng cuối thai kì. Nếu sử dụng liên tục ở ba tháng cuối thai kỳ, cần thường xuyên đánh giá ống động mạch và lượng nước ối (phản ánh tác dụng phụ trên thận của thai nhi) bằng siêu âm.
Liều thấp aspirin sử dụng tương đối an toàn khi có chỉ định phù hợp và có sự theo dõi của thầy thuốc.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Aspirin không phải lựa chọn phù hợp để giảm đau hoặc chống viêm trong thời kỳ này, thay vào đó ưu tiên dùng ibuprofen và paracetamol. Tốt nhất nên tránh sử dụng trong quá trình cho con bú. Thỉnh thoảng sử dụng aspirin là chấp nhận được, tuy nhiên tránh sử dụng kéo dài.
Liều thấp (50 – 300mg) được coi là an toàn. Trong trường hợp dùng aspirin liều thấp, nên tránh cho con bú trong vòng 1 – 2h để giảm thiểu tác dụng phụ kháng tiểu cầu trên trẻ bú mẹ.
Một số tác dụng phụ: Tác dụng phụ phụ thuộc vào liều. Với liều cao (> 3g/ngày) thường gặp tác dụng phụ trên tiêu hóa: buồn nôn, nôn, khó chịu thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày – ruột. Các dụng khác thường găp như: mệt mỏi, ban da, mày đay, thiếu máu tan máu, khó thở, sốc phản vệ.
Chú ý (nếu có): Thuốc uống lúc no để tránh kích ứng dạ dày .