Có khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc hội chứng buồng trứng đa nang ( polycystic ovary syndromme – PCOS). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra vô sinh. Nhưng may mắn rằng: vô sinh do PCOS có thể điều trị được!
Mục lục
- 1. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì?
- 2. Ai có thể bị PCOS?
- 3. Các triệu chứng của PCOS là gì?
- 4. Nguyên nhân nào gây ra PCOS?
- 5. Mắc PCOS có thể mang thai không?
- 6. PCOS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác không?
- 7. PCOS được chẩn đoán như thế nào?
- 8. PCOS được điều trị như thế nào?
- 9. Làm gì để tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ mắc PCOS?
- 10. PCOS ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào? Cách ngăn ngừa?
1. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì?
Hội chứng buồng trứng đa nang (tên khoa học: polycystic ovary syndromme (PCOS), là rối loạn nội tiết thường gặp ở nữ giới. Phụ nữ mắc PCOS có sự mất cân bằng nội tiết tố và các vấn đề trao đổi chất, gây ảnh hưởng đến hình dáng, sức khỏe tổng thể và chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang có sự gia tăng bất thường về nồng độ Androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Những chất này sẽ gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn bằng cách tạo ra lớp vỏ dày khiến nang noãn không phát triển được và không thể phá vỡ được lớp vỏ đó. Khi không phá vỡ được lớp vỏ thì hiện tượng phóng noãn không xảy ra và phụ nữ không có khả năng mang thai. Lúc này, trên hình ảnh siêu âm buồng trứng sẽ thấy xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 – 10 nang < 10mm).
Với người mắc PCOS, trứng không phát triển như bình thường hoặc không được giải phóng trong quá trình rụng trứng. Điều đó dẫn tới:
– Tình trạng mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều
– Vô sinh. Trên thực tế, PCOS là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở phụ nữ.
– Sự phát triển của u nang trong buồng trứng
2. Ai có thể bị PCOS?
Từ 5% đến 10% phụ nữ trong đội tuổi sinh sản (thường từ 15 đến 44 tuổi) mắc PCOS. Hầu hết phụ nữ phát hiện ra mắc PCOS ở độ tuổi 20 – 30, lúc họ gặp khó khăn khi mang thai và đi khám bác sĩ. Nhưng PCOS có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi sau tuổi dậy thì.
Phụ nữ thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc đều có nguy cơ mắc PCOS. Nguy cơ mắc PCOS có thể cao hơn nếu bạn bị béo phì hoặc nếu bạn có mẹ, chị gái hoặc dì mắc PCOS.
3. Các triệu chứng của PCOS là gì?
Một số triệu chứng của PCOS bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: vô kinh – thiểu kinh – đa kinh hoặc rong kinh
- Gặp khó khăn trong việc thụ thai, vô sinh
- Béo phì: Có tới 80% phụ nữ mắc PCOS bị béo phì. Tăng cân, béo phì do đường (glucose) không được chuyển hóa vào tế bào sẽ chuyển đổi thành chất béo tích tụ lại, đặc biệt là béo ở vùng bụng
- Quá nhiều lông trên mặt, cằm hoặc các bộ phận của cơ thể. Hirsutism (chứng rậm lông) ảnh hưởng đến 70% phụ nữ mắc PCOS.
- Mụn trứng cá ở mặt, ngực, lưng xảy ra sau tuổi dậy thì và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
- Tóc mỏng hoặc rụng tóc trên da đầu; hói đầu kiểu nam
- Da dày, sẫm màu, mượt như nhung, thường xuất hiện dọc theo nếp nhăn cổ, ở háng và dưới ngực
- Chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ
- Trường hợp nặng có thể xuất huyết tử cung
- Siêu âm thấy nhiều túi nhỏ chứa đầy chất lỏng trong buồng trứng
4. Nguyên nhân nào gây ra PCOS?
Nguyên nhân chính xác của PCOS chưa được biết rõ, nhưng có thể là do phối hợp của nhiều yếu tố:
- Hàm lượng androgen (nội tiết tố nam) cao: Tất cả phụ nữ tạo đều ra một lượng nhỏ androgen để kiểm soát sự phát triển của các đặc điểm nam. Phụ nữ mắc PCOS có nhiều androgen hơn bình thường. Mức androgen cao này có thể ngăn chặn buồng trứng giải phóng trứng (rụng trứng) trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, và có thể gây ra chứng rậm lông, mụn trứng cá…
- Nồng độ insulin cao: Insulin là hormone được sản xuất trong các tế bào tuyến tụy, kiểm soát cách chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Nếu có đề kháng insulin, khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả bị suy giảm, và tuyến tụy tiết insulin nhiều hơn để chuyển hóa cho các tế bào. Insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất androgen của buồng trứng.
- Yếu tố di truyền: nếu bạn có mẹ, chị gái hoặc dì mắc PCOS thì nguy cơ bạn bị mắc PCOS cao hơn
5. Mắc PCOS có thể mang thai không?
Có chứ!
Mắc PCOS không có nghĩa là bạn không thể mang thai. PCOS là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở phụ nữ nhưng có thể điều trị được.
Ở phụ nữ mắc PCOS, mất cân bằng nội tiết tố cản trở sự phát triển và giải phóng trứng từ buồng trứng (rụng trứng). Thực tế nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhiều trường hợp mắc buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai nếu điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của bạn đã lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao.
6. PCOS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác không?
Có
PCOS ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn cơ thể chứ không chỉ hệ thống sinh sản. Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa PCOS và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường. Hơn một nửa số phụ nữ mắc PCOS sẽ bị tiểu đường trước tuổi 40
- Huyết áp cao. Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ cao bị huyết áp cao hơn so với phụ nữ cùng tuổi không có PCOS. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim và đột quỵ.
- Cholesterol không lành mạnh. Phụ nữ mắc PCOS thường có mức cholesterol LDL (có hại) cao hơn và mức cholesterol HDL (có lợi) thấp. Cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ. Nhiều phụ nữ mắc PCOS bị thừa cân hoặc béo phì và có thể gây ngưng thở tạm thời khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
- Trầm cảm và lo âu. Trầm cảm và lo lắng là phổ biến ở phụ nữ mắc PCOS.
- Ung thư nội mạc tử cung. Các vấn đề về rụng trứng, béo phì, kháng insulin và tiểu đường ở phụ nữ mắc PCOS làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
7. PCOS được chẩn đoán như thế nào?
Theo tiêu chuẩn châu Âu thì dựa vào dấu hiệu chính là hình ảnh trên siêu âm và xem siêu âm là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh.
Ở Việt Nam, ngoài hình ảnh trên siêu âm thì còn kết hợp thêm một hay nhiều các triệu chứng khác đi kèm.
Ngày nay, để tiện cho thống nhất chẩn đoán và điều trị thì các nhà y học dựa theo ESHRE ASRM Rotterdam Consesus 2003 đưa ra 3 tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Tiêu chuẩn 1: kinh thưa hoặc vô kinh, chu kỳ kinh > 35 ngày, vô kinh > 6 tháng.
- Tiêu chuẩn 2: cường androgen với biểu hiện rậm lông, mụn trứng cá.
- Tiêu chuẩn 3: buồng trứng đa nang trên siêu âm, siêu âm ngày thứ 2 – 5 của chu kỳ kinh hoặc ngày thứ 3 của chu kỳ nhân tạo thì có 12 nang kích thước từ 2 – 9mm và tăng thể tích buồng trứng >10cm3, thể hiện ít nhất ở một buồng trứng.
Khi có xuất hiện 2/3 tiêu chuẩn trên thì được chẩn đoán là HCBTĐN.
8. PCOS được điều trị như thế nào?
Không có cách chữa khỏi PCOS hoàn toàn nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của PCOS. Tùy theo mục đích điều trị là điều trị triệu chứng cường androgen hay là điều trị vô sinh mà bác sĩ sẽ có các chỉ định và lời khuyên cụ thể đối với từng trường hợp.
9. Làm gì để tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ mắc PCOS?
- Giảm cân, xây dựng lối sống lành mạnh:Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, cần thực hiện giảm cân thông qua ăn uống lành mạnh (nhiều rau xanh và hoa quả, giàu đạm thực vật, ít đường, ít tinh bột..), hoạt động thể chất thường xuyên. Việc này sẽ giúp chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn hơn và cải thiện khả năng sinh sản.
- Dùng thuốc kích thích rụng trứng: Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây vô sinh khác ở vợ và chồng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp kích thích rụng trứng phù hợp với từng đối tượng. Bổ sung Inositol, các vitamin nhóm B (B1, B6, B9, B12), vitamin D… cùng với chế độ ăn là lựa chọn tốt bởi nó có thể làm giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện chức năng buồng trứng/sự rụng trứng và giảm nồng độ androgen ở phụ nữ mắc PCOS
- Bác sĩ cũng có thể kê toa metformin (Glucophage, Glucophage XR) – một thuốc uống cho bệnh tiểu đường tuýp 2 – để làm giảm nồng độ insulin. Thuốc này cải thiện sự rụng trứng và dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên. Metformin cũng làm chậm sự tiến triển đến bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu đã có tiểu đường trước đó và hỗ trợ giảm cân (nếu bạn đang ăn kiêng và tập thể dục phù hợp).
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). IVF có thể là một lựa chọn nếu việc dùng thuốc không cho kết quả tốt. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của chị em.
- Phẫu thuật. Phẫu thuật là một lựa chọn (thường chỉ khi các lựa chọn khác không hiệu quả). Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) làm giảm mức độ kích thích tố nam và tăng cường sự rụng trứng. Nhưng tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời trong vòng 6 tháng đến 1 năm kể từ khi phẫu thuật.
10. PCOS ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào? Cách ngăn ngừa?
PCOS có thể gây ra vấn đề trong thai kỳ cho mẹ và con với tỷ lệ cao hơn các vấn đề như:
- Sẩy thai
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật
- Tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non
- Tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
- Trẻ sinh ra từ mẹ bị PCOS có nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt hơn, tỷ lệ tử vong chu sinh cao hơn
Có thể giảm nguy cơ gặp vấn đề khi mang thai bằng cách:
- Đạt cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai.
- Đạt mức đường trong máu khỏe mạnh trước và trong khi có thai thông qua sự kết hợp của thói quen ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, giảm cân và dùng thuốc như metformin.
- Uống đủ axit folic, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng phù hợp
Buồng trứng đa nang – PCOS là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng vô sinh ở phụ nữ, tuy nhiên có thể khắc phục được. Thời gian điều trị càng sớm thì tỷ lệ mang thai càng cao. Chính vì vậy, cần thực hiện thăm khám cụ thể ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Chủ động khắc phục bằng cách thực hiện lỗi sống lành mạnh và dùng thuốc hỗ trợ phù hợp để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, kích thích sự rụng trứng, từ đó nâng cao khả năng mang thai.
Nguồn tham khảo: