Trẻ em có trọng lượng sơ sinh dưới 2,5 kg đối diện với nguy cơ bị thiếu cân và có thể gặp khó khăn về nhận thức cũng như mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch khi lớn lên. Tuy nhiên, có vẻ như bổ sung sắt sớm có thể phần nào bảo vệ trẻ trước những nguy cơ này. Mới vừa rồi, tại Đại Học Umeå (Umeå University) ở Thụy Điển đã có một luận án tiến sĩ theo đuổi và công bố đề tài này.
“Kết quả mới bất ngờ làm sao. Trẻ em có trọng lượng khi sinh thấp khi được bổ sung sắt sớm có huyết áp thấp hơn vào độ tuổi đi học, điều này vốn chưa hề được biết đến. Có thể chúng tôi đã tìm được phương pháp giúp hạn chế phần nào các chứng bệnh về tim mạch, mặc dù hiện nay cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn”, Josefine Starnberg, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa Học Lâm Sàng (Department of Clinical Science) của Đại học Umeå, tuyên bố.
Nghiên cứu bao gồm 285 trẻ em được sinh ra với trọng lượng sơ sinh nhẹ (gần sát ngưỡng), 2-2,5 kg và một nhóm đối chứng gồm 95 trẻ em sinh ra có cân nặng khi sinh bình thường. Dữ liệu về cân nặng, chiều cao, cấu tạo cơ thể, huyết áp và xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu, insulin và lipid máu được thu thập. Ngoài ra, chỉ số IQ của trẻ em và nhiều khả năng khác cũng được kiểm tra. Trong số các bé có trọng lượng sơ sinh thấp, rõ ràng chiếm đa số là các bè chỉ có trọng lượng nhẹ (ngưỡng thiếu cân), nhưng chúng hiếm khi được ưu tiên trong các nghiên cứu.
Làm thế nào mà não bộ và sự phát triển hệ thần kinh của trẻ lại bị ảnh hưởng bởi trọng lượng khi sinh thấp, cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Người ta tin rằng trẻ em sinh non và nhẹ cân được sinh ra khi bộ não còn chưa phát triển hoàn chỉnh, vì thế buộc phải phát triển và trưởng thành với các điều kiện khác so với một đứa trẻ sinh ra với cân nặng bình thường. Nghiên cứu của Umeå cho thấy rằng trẻ em sinh ra với trọng lượng khi sinh quá thấp sẽ gặp nhiều khó khăn về nhận thức hơn, chẳng hạn như chỉ số IQ thấp hơn và khả năng điều phối và chú ý kém hơn so với trẻ sinh ra với cân nặng bình thường.
“Kết quả kiểm tra dưới trung bình có thể dẫn đến nhiều trở ngại trong học tập và các rối loạn hành vi ở mức độ nghiêm trọng hơn so với trẻ em có cân nặng sơ sinh bình thường. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn vấn đề quan trọng này, cả trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như trong hệ thống giáo dục, để có thể nhận biết và hỗ trợ sớm hơn các bé cần được giúp đỡ”, Josefine Starnberg cho biết.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ em có cân nặng khi sinh thấp có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn, cao huyết áp, mỡ trong máu cao và kháng insulin, tất cả đều gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiện tượng này được giải thích bằng khái niệm “lập trình sớm” (early programming), có nghĩa là bào thai được lập trình để thích nghi với môi trường xung quanh trong tử cung, và sau đó có thể bất lợi nếu môi trường sau khi sinh là khác nhau.
Ngược lại, nghiên cứu của Umeå cho thấy rằng trẻ em khi sinh nhẹ cân có nguy cơ bị thiếu cân khi chạm mốc 7 tuổi. Nhưng đồng thời, những dấu hiệu sớm về rối loạn insulin và cân bằng đường huyết bị gián đoạn cũng được phát hiện, một dấu hiệu rõ ràng ám chỉ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch về sau. Để tìm hiểu cụ thể hơn hậu quả của việc này, bắt buộc phải tiến hành thêm các nghiên cứu kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Một phát hiện nổi bật của nghiên cứu này, vốn dĩ chưa từng được khám phá, chính là sự tương quan giữa huyết áp và việc bổ sung sắt: Trẻ em được bổ sung sắt sớm có huyết áp thấp hơn. Ngoài việc đề ra cơ chế nền của quá trình lập trình huyết áp sớm – từ độ tuổi nhỏ, phát hiện này còn mở ra cơ hội bảo vệ trẻ em có trọng lượng sơ sinh thấp khỏi bệnh tim mạch về sau, chỉ bằng những phương thức đơn giản.
Nguồn: https://www.news-medical.net/news/20180302/Early-iron-supplementation-appears-to-provide-protection-for-low-birth-weight-children.aspx