Táo bón có thể là: mang bản chất hữu cơ (tức là do nguyên nhân từ thực thể như bệnh Hirschsprung, hay nguyên nhân từ hệ nội tiết như suy giáp); hoặc có thể mang bản chất chức năng (không xác định được cụ thể điểm bất thường nào thuộc lĩnh vực giải phẫu, sinh hóa và sinh lý).
Thách thức lớn nhất đến từ việc kiểm soát chứng táo bón này từ thời thơ ấu (phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị). Mục đích của điều trị là làm mềm phân, tăng cường nhu động đường ruột và giải quyết các yếu tố tâm lý – xã hội.
Đã có tương đối nhiều hướng dẫn được công bố để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị chứng táo bón chức năng.
Tuy nhiên, việc điều trị chứng táo bón vẫn còn đi theo nhiều cách thức sai lầm không qua kiểm chứng, chính chúng là nguyên nhân phức tạp hóa và kéo dài sự đau đớn của trẻ em bị táo bón và thậm chí làm trầm trọng thêm nỗi lo của cha mẹ và người chăm sóc các bé.
Bài viết này giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và phụ huynh được an tâm nhờ chỉ ra sự thật, đồng thời đem lại lợi ích về lâu dài chính là loại bỏ lo lắng và giải tỏa tâm lý.
Sau đây là 10 điều lầm tưởng phổ biến nhất trong dân gian về bệnh táo bón
1. Trẻ sơ sinh cần phải đi cầu mỗi ngày
Trẻ nhỏ và trẻ em có thể đi cầu mỗi ngày hoặc thậm chí 2-3 lần một tuần. Miễn là các bé đi cầu thoải mái, nhẹ nhàng và phân không cứng thì tần suất này vẫn được xem là bình thường và chấp nhận được.
2. Khi chẩn đoán bệnh cho trẻ bị táo bón, cần phải chụp X-quang ổ bụng
Không bắt buộc phải áp dụng quy trình chụp X-quang vùng bụng để chẩn đoán táo bón chức năng. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể kiểm tra bằng các phương pháp vật lý hoặc kết quả không đáng tin cậy, thì nên chụp X-quang cho những ca nghi ngờ bé bị tắc nghẽn phân.
3. Tăng lượng nước uống có thể giúp điều trị chứng táo bón
Đáng tiếc thay, chưa từng có bằng chứng là phương pháp này hiệu quả. Các công bố hướng dẫn hiện hành đều khuyến nghị chỉ duy trì lượng nước uống bình thường dành cho độ tuổi, ngay cả đối với trẻ em bị táo bón.
4. Táo bón có thể được chữa khỏi bằng cách tăng cường ăn chất xơ
Ngạc nhiên thay, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy là lời khuyên lâu đời này thực sự có tác dụng. Vậy nên, hãy cứ ăn lượng chất xơ vừa phải, phù hợp với độ tuổi thôi.
5. Đối với trẻ nhỏ đang trong độ tuổi dùng sữa bột, có thể điều trị táo bón bằng cách pha loãng sữa
Phương pháp này chưa được kiểm chứng là sẽ đảm bảo vừa hiệu quả vừa an toàn. Có khả năng lượng dinh dưỡng trẻ cần hấp thu sẽ bị ảnh hưởng.
6. Có thể thường xuyên dùng thuốc nhét hậu môn để kích thích đại tiện
Cách này có thể nguy hiểm và gây phụ thuộc thuốc, tạo cảm giác khó chịu. Thuốc có thể giúp làm mềm phân, thải bỏ phân còn sót nhưng không nên dùng hàng ngày.
7. Thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng (lactulose) rất nguy hiểm vì có thể gây phụ thuộc thuốc
Lactulose an toàn và hiệu quả khi sử dụng đúng lúc và đủ liều. Lactulose có thể sử dụng trong thời gian dài cho đến khi chữa dứt táo bón.
8. Men vi sinh (Probiotics) có thể chữa táo bón
Đáng buồn rằng vấn đề này vẫn chưa được xác nhận là chính xác, vì vậy phương pháp không được khuyến khích áp dụng. Cho đến hiện tại, các bằng chứng chưa đủ chắc chắn để đảm bảo tính an toàn trong việc sử dụng thường xuyên, dù là ở hình thức bổ sung hay điều trị chính.
9. Táo bón nguy hiểm vì có khả năng dẫn đến thủng ruột hoặc hấp thu độc tố gây tử vong
Chưa từng có bằng chứng là những hậu quả “tiềm ẩn” này của táo bón có thể xảy ra. Hiểu lầm này có thể gây ra nỗi sợ hãi không cần thiết, lo lắng, dẫn đến xử lý vấn đề một cách sai lầm.
10. Khuyến cáo tập cho trẻ tự đi cầu từ năm 1 tuổi để ngăn ngừa táo bón
Mặc dù việc tập kỹ năng tự đi cầu cho trẻ là rất quan trọng trong vấn đề phòng chống táo bón chức năng, áp dụng cho tất cả trẻ em một tuổi thậm lại có thể gây hại.
Thời điểm bắt đầu huấn luyện cho trẻ được quyết định dựa vào đánh giá liệu trẻ đã phát triển sẵn sàng chưa, có thể vào khoảng giữa 2-4 tuổi, khi đã thu được các thông số đánh giá mức độ hoạt động và hành vi của trẻ.
Theo Bác sĩ Felizardo N. Gatcheco, MD, MSc, FPPS, FPSPGHAN