Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Sữa mẹ hoàn hảo hơn tất cả các loại sữa công thức vì chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với hàm lượng cân đối, phù hợp, dễ hấp thu. Vì vậy, hãy giành tối đa nguồn dinh dưỡng quý báu này cho con bạn nhé!
Nuôi con bằng sữa mẹ là niềm vui và thích thú cho cả hai mẹ con
1. Vú và cách thức hoạt động
Vú là cơ quan hoạt động của cơ thể phụ nữ, có thể nuôi dưỡng đầy đủ một hoặc nhiều đứa trẻ trong nhiều tháng sau sinh. Vú được hình thành bởi da, cơ ngực, mạch máu, dây thần kinh, mô mỡ và mô sản sinh sữa. Các tuyến Montgomery là những vết sưng trên quầng vú, tiết ra một chất dầu nhờn bảo vệ và bôi trơn cho núm vú. Chất này cũng làm cản trở sự phát triển của vi khuẩn trên núm vú và quầng vú.
Bên trong vú có các tuyến sữa chứa các tế bào phôi (tế bào sản xuất sữa). Sữa được giải phóng từ các phế nang để đáp ứng với động tác bú của bé. Đường ống sữa mang sữa từ các phế nang đến núm vú. Mỗi núm vú có 15-25 ống dẫn sữa.
2. Sữa mẹ được sản xuất thế nào?
Khi mang thai hoặc sau sinh, các hormon kích thích các phế nang để bắt đầu tạo ra sữa non. Bạn có thể đã được tạo sữa non từ những tháng cuối của thai kỳ và trong vòng 72 giờ sau sinh. Sữa non có tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần và cũng có các kháng thể để cơ thể bé chống lại bệnh tật.
Khi bé bú sẽ gửi một thông điệp đến não của bạn. Thông báo này khiến tuyến yên giải phóng ra hai nội tiết tố là Prolactin và Oxytocxin. Prolactin làm cho bạn sản xuất sữa. Cơ thể của bạn sẽ sản xuất sữa nhiều hơn mỗi khi con bú và nuốt. Đây được gọi là “cung và cầu”, em bé bú sữa mẹ càng nhiều – sữa càng sản xuất. Còn Oxytocxin làm cho sữa trong vú chảy ra khi bé bú mẹ.
Khoảng 2-4 ngày sau khi sinh, sữa non sẽ được thay thế bằng sữa trưởng thành, vú bạn sẽ đầy và cương hơn khi sữa bắt đầu lấp đầy các ống sữa. Khi mẹ cảm thấy vui vẻ, hài lòng, tin tưởng mình đủ sữa cho con thì sữa sẽ tiết nhiều hơn. Ngược lại nếu mẹ lo lắng hoặc nghi ngờ không đủ sữa thì sữa sẽ giảm tiết.
3. Tiến hành cho con bú sữa mẹ
Thời gian tốt nhất để bắt đầu cho con bú sữa mẹ là trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Khi cho con bú cả mẹ và con cần được thoải mái, thư giãn và cảm thấy dễ chịu. Cần theo dõi trẻ kỹ lưỡng trong bữa bú để phát hiện tình trạng hít phải sữa hoặc nuốt sữa khó khăn. Nếu trẻ “xùi bọt” thì cần loại trừ bệnh teo thực quản ở trẻ.
Cơ thể sẽ sản xuất một lượng nhỏ sữa non mang nhiều dưỡng chất và kháng thể trong ba ngày đầu tiên. Dạ dày của bé sơ sinh chỉ chứa được khoảng 5-7 ml, vì vậy bé cần ăn thường xuyên, cả ngày và đêm. Kích cỡ dạ dày của bé tăng lên dần dần trong những ngày sau và bạn cũng cần tăng dần thời lượng cho bé bú mỗi lần.
Kích thước dạ dày trẻ sơ sinh
Nếu có bất kỳ lý do nào khiến trẻ không thể bú được thì bạn cần vắt sữa, tránh căng vú để duy trì tiết sữa cho con. Mỗi khi bắt đầu cho bé bú, những giọt sữa đầu tiên cho bé có tỷ trọng nước cao, khi bé tiếp tục bú, sữa đúng tiêu chuẩn mới chảy ra. Nguồn sữa này rất giàu nhiệt lượng cho em bé phát triển. Do đó, bạn hãy cho em bé bú một bên bầu sữa cho tới khi nào em bé ngừng bú thì thôi. Không bắt trẻ ngừng ti khi trẻ vẫn đang muốn bú.
>> Xem thêm: Cho con bú đúng cách