Chăm sóc vợ nghén như thế nào?
Mẹ bầu đang trải qua giai đoạn nghén vất vả và bố rất lo lắng không biết nên chăm sóc mẹ như thế nào? TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà đã có nhiều lời khuyên hữu ích để giúp bố chăm sóc mẹ trong giai đoạn nghén được tốt hơn, thai kỳ không quá nhiều thử thách và an toàn hơn.
Mục lục
Cảm giác khi bị nghén là như thế nào?
Nghén là một trong những triệu chứng rất khó chịu, không chỉ cho các bà bầu mà còn là giai đoạn khó khăn cho cả các ông bố. Nghén có muôn hình vạn trạng, tùy thể trạng mẹ bầu mà có cách điều trị khác nhau. Có những trường hợp chỉ cần dùng đến tâm lý liệu pháp, mẹ bầu tự nhiên lại khỏi.
Nghén là triệu chứng đầu tiên xuất hiện trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi mà nhau bắt đầu thành lập. Khoảng 70% – 80% các phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên có nhiều mức độ nghén khác nhau: có người nhẹ, người vừa, nhưng có người rất nặng.
Các triệu chứng hay gặp là buồn nôn, rồi nôn ói, đầy bụng, khó tiêu,… đặc biệt là mệt. Triệu chứng mệt này nó y như bệnh giả đò. “Tôi có cái bệnh đau hàm/ Khi ăn thì khỏi khi làm thì đau”. Nó tương tự như vậy, nghĩa là làm cái gì tự nhiên mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt lắm.
Tiếp theo là mẹ bầu có thể cảm thấy nhức đầu, có khi là khó thở, ăn uống kém, người mỏi mệt,… không rõ ràng là một bệnh cụ thể nào. Đấy là những triệu chứng cơ bản của nghén, làm cho các bà bầu đặc biệt khó chịu. Đặc biệt là những người có thai lần đầu tiên, có khi chưa quen thì cảm thấy ôi cuộc đời sao nó mệt thế, sao mà khổ thế, cả một bầu trời bế tắc.
Nguyên nhân của tình trạng ốm nghén?
Khi có hiện tượng ốm nghén xảy ra, sức khỏe của mẹ bầu sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên vì ăn không ăn được, ngủ không ngủ được, người thì bực bội, gây gây, bố cũng bị ảnh hưởng lây. Vậy tại sao lại có tình trạng nghén này xảy ra?
Nguyên nhân đầu tiên là do đáp ứng của cơ thể đối với sự thay đổi nội tiết trong thai kỳ. Chúng ta biết là khi trứng và tinh trùng bắt đầu kết hợp với nhau thành hợp tử, hợp tử vào tử cung làm tổ thì nhau bắt đầu được hình thành, và tiết ra nội tiết tố của thai kỳ. Nội tiết tố bắt đầu tăng, đến mức đỉnh điểm khoảng ngày thứ 70 của thai kỳ rồi bắt đầu giảm từ từ đến ngày thứ 100 và duy trì cho đến ngày sanh. Chính vì vậy tình trạng nghén là phản ứng của cơ thể đối với nội tiết tăng. Mẹ bầu sẽ nghén từ từ đến khoảng ngày thứ 70 là nôn ói đỉnh điểm, mệt vô cùng. Nhưng tình trạng nghén sẽ giảm dần do nội tiết giảm dần, sau đó hết nghén là khoảng 100 ngày, nghĩa là khoảng độ 3 tháng 10 ngày.
Nguyên nhân thứ hai là do bánh nhau tiết ra nội tiết tố để cơ tử cung mềm, cơ tử cung mềm sẽ không co bóp không đẩy thai ra, đó là chọn lọc tự nhiên. Khi cơ tử cung mềm thì cơ ở nơi khác trong cơ thể cũng mềm, bao tử cũng mềm và cơ ở thành ruột cũng mềm. Khi mềm như vậy thì sẽ giảm co bóp, bụng sẽ dễ chướng. Mẹ bầu chưa ăn đã cảm thấy tức tức bụng, lúc nào cũng cảm thấy đầy hơi do hơi ở trong ruột nhiều, ứ đọng.
Có bao nhiêu mức độ nghén?
Nếu tình trạng nghén nhẹ, mẹ bầu sẽ lướt qua dễ dàng.
Đối với tình trạng nghén trung bình, mẹ bầu sẽ ăn kém, đầy bụng khó tiêu, nôn ói bất chợt. Nhưng ngoài những lúc bị nghén ra thì mẹ có thể ăn lại được bình thường. Thời điểm mẹ bầu cảm thấy khó chịu nhất là lúc mới ngủ dậy, khoảng lúc 6, 7 giờ sáng dậy đánh răng là cảm thấy rất buồn nôn. Thời điểm thứ hai là khoảng 4, 5 giờ chiều. Đây là hai thời điểm nội tiết tăng cao nhất trong ngày.
Trường hợp nghén nặng, mẹ bầu sẽ nôn ói rất nhiều, đưa thức ăn đồ uống gì vào người là nôn ói ra ngay lập tức. Khi nhìn người khác ăn, mẹ bầu cũng có thể bị nôn ói. Mẹ bầu sẽ ăn không được mà cứ nôn ói liên tục, cơ thể sẽ mất nước nhanh và quan trọng là mất chất điện giải. Không ăn được là cơ thể đã không có chất dinh dưỡng để hoạt động tốt, mất chất điện giải nữa thì cơ thể sẽ nhũn ra, không còn sức để làm bất cứ việc gì. Những trường hợp này các bác sĩ thường cho chỉ định truyền dịch, truyền điện giải, truyền chất đạm,… trực tiếp vào máu. Các cơ trong cơ thể gần như bị liệt, rất nguy hiểm. Trường hợp rối loạn điện giải nặng có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Những trường hợp nghén nặng thông thường là khi có bánh nhau lớn, do đa thai, phù nhau thai, những trường hợp thai dị tật làm cho bánh nhau rất to,…
Nghén gây ra cảm giác mệt mỏi
Chăm sóc vợ nghén như thế nào?
Về mặt tâm lý, bố nên cố gắng ổn định, giúp mẹ không quá lo lắng vì thần kinh của bà mẹ mang thai không ổn định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của con. Điều quan trọng là bố giúp mẹ có tâm lý thoải mái, tránh buồn phiền, đừng hờn giận. Khi có bầu con, thần kinh của mẹ dễ thay đổi nên dễ giận hờn, bố nên thông cảm và giúp mẹ giảm bớt những cơn stress đấy. Stress cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho tình trạng nghén xảy ra nặng hơn.
Bố có thể tham khảo thêm phương pháp bấm huyệt để giúp mẹ giảm tình trạng ốm nghén.
Trong giai đoạn này bố nên cho mẹ ăn theo sở thích, đừng cố ép mẹ ăn quá nhiều hay ăn liên tục một món bổ dưỡng nào đấy (chân giò, gà ác tiềm thuốc bắc,…), nếu mẹ không thích ăn thì chỉ việc nhìn cũng đã sợ. Giai đoạn này không thể nào bố chăm sóc mẹ như thế được. Bố nên cho mẹ ăn theo sở thích, nhưng nên chia thành nhiều bữa, đặc biệt là không ép buộc. Thứ nhất đó là món mẹ không thích, ăn vào sẽ nôn ói ra. Thừ hai là mẹ bầu sẽ bị áp lực về mặt tâm lý.
Bố nên chọn những món đơn giản, dễ tiêu ví dụ như cháo, súp, chè loãng để lạnh,… Với sữa bố có thể để lạnh, mỗi lần mẹ uống từng ít, từng ít một. Nếu mẹ bầu không có thói quen uống sữa từ trước khi mang thai, mẹ sẽ không có men tiêu sữa, bố nên cho mẹ uống từng ít một để kích thích ruột tạo men tiêu sữa, rồi dần dần tăng lên từ từ. Bố có thể để sẵn sữa vào trong tủ lạnh, mỗi lần mẹ khát thì mang ra uống. Từ từ mẹ sẽ quen.
Bố nên cho mẹ ăn một số loại thức ăn có khả năng hút dịch trong bao tử, nếu để bụng đầy dịch axit, khi ợ lên mẹ bầu sẽ cảm thấy rất chua, rất khó chịu. Bố có thể cho mẹ ăn bánh mì, bánh quy,… để tinh bột trung hòa bớt dịch đi, mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Bánh quy giúp trung hòa bớt dịch bao tử
Bố không nên cho mẹ ăn những thức ăn có hương vị quá mạnh như hành phi, tỏi phi, mắm, cá, thức ăn chiên xào, cà phê,… Những chất kích thích như vậy đối với mẹ bầu nhạy cảm, chỉ cần nghe mùi thôi cũng khó chịu rồi.
Bố nên chia nhỏ khẩu phần ăn của mẹ thành nhiều bữa, không nên ăn quá nhiều, quá no. Nếu bao tử căng quá, mẹ sẽ dễ bị đẩy ngược thức ăn và nôn ói.
Một số đồ ăn vặt: kẹo, bánh quy, viên ngậm,… bố có thể để sẵn trong tủ lạnh, trong giỏ của mẹ bầu. Khi lượng đường được đưa vào cơ thể sẽ giảm tình trạng hạ đường huyết. Cảm giác nuốt xuống cũng giúp các dịch không trào ra.
Ngoài ra, bố nên bổ sung thêm nước cho mẹ từ nhiều loại trái cây khác nhau.
Bố có thể cho mẹ bầu ngậm gừng với chanh, để giảm cảm giác buồn nôn. Nên chọn gừng tươi, vì gừng héo có nhiều chất không tốt cho sức khỏe mẹ bầu.
Những mùi thơm ngày xưa như xà phòng, nước hoa, thuốc xịt phòng, nước tẩy rửa, nước lau nhà, … bây giờ có thể gây cho mẹ bầu cảm giác nôn ói. Bố nên giúp mẹ tránh xa những nơi này, không kích thích cho mẹ bầu dễ bị ói.
Vệ sinh răng miệng cũng có thể là con dao 2 lưỡi. Động tác đánh răng hoặc ngược lại không đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt cũng đều có thể gây ra cảm giác nôn ói. Do đó, nếu mẹ bầu không thể đánh răng được thì bố hãy chuẩn bị cho mẹ miếng gạc mềm để chà răng và súc miệng bằng các dung dịch sát trùng. Nếu không được nữa thì có thể súc miệng bằng nước muối.
Phòng ở và phòng làm việc nên thoáng mát, tránh ngột ngạt. Phòng thiếu khí oxy cũng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, và rất dễ dàng nôn ói. Trong quá trình làm việc, nếu thấy mẹ ngồi một lúc lâu lâu thì nên khuyên mẹ bầu nên đứng dậy đi lại, đi ra ngoài cho có không khí thoáng.
Nếu khi mẹ bầu cảm thấy mệt do nghén, bố nên giúp mẹ tập hít thở đúng cách, đây là một trong những biện pháp giải phóng các khó chịu do nghén. Bố hướng dẫn mẹ hít một hơi thật sâu bằng mũi, sau đó để hơi trong ngực vài giây, sau đó thở nhẹ nhàng ra bằng miệng. Làm vài lần như vậy sẽ đỡ mệt dần.
Magie B6 và kẽm là 2 thuốc giúp mẹ bầu bớt nôn ói, bố nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho mẹ bầu sử dụng. Ngoài ra mẹ bầu có thể dùng được một số thuốc chống ói khác, do bác sĩ trực tiếp kê toa vì tùy vào cơ địa và tình trạng của mỗi người. Bố nên cho mẹ uống thuốc trước 30 phút so với thời gian mẹ bầu dễ nôn ói trong ngày. Ví dụ buổi sáng mẹ hay nôn ói vào lúc 7h30 thì bố cho mẹ uống thuốc vào lúc 7h.
Nếu tình trạng nôn ói quá căng thẳng,, mẹ bầu rất mệt không thể ăn được, nôn ói rất nhiều thì bố nên đưa mẹ vào bệnh viện ngay để các bác sĩ chăm sóc, truyền dịch, truyền đạm, lipid,…
Dinh dưỡng khi bị ốm nghén?
Mang thai là quá trình rất quan trọng của cả mẹ và con, đòi hỏi dinh dưỡng cao. Vì thế khi mẹ bầu rơi vào tình trạng ốm nghén và không thể ăn được, bố nên chuẩn bị giải pháp dinh dưỡng tốt để bổ sung cho mẹ. Hơn thế nữa, dinh dưỡng yếu kém là một trong số các nguyên nhân khiến tình trạng ốm nghén trầm trọng hơn.
Thức ăn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và chủ yếu nhất. Vì vậy, với mẹ bầu bị nghén khó ăn uống thì nguy cơ thiếu dinh dưỡng sẽ tăng cao hơn. Do đó, lúc này bổ sung thêm đưỡng chất cho mẹ bằng thuốc bổ là điều cần thiết. Bổ sung dinh dưỡng đúng – đủ là điều kiện để không thể thiếu cho một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tối ưu.
Bố hãy yên tâm vì sau khoảng 100 ngày, có nghĩa là từ tuần thứ 14 trở đi, nội tiết của mẹ bắt đầu trở về bình thường, mẹ sẽ bớt triệu chứng nghén, ăn uống lại được. Giai đoạn nghén của mẹ sẽ lướt qua thật dễ dàng khi được sự quan tâm chăm sóc khoa học và đầy đủ từ bố. Dinh dưỡng đầy đủ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh và thông minh của con sau này.
Điệp bình luận
Vk em đến tuần t9 buổi tối khi ăn cơm hoặc ăn gi xong đêu nôn hết ra có bị làm sao không ah
Procarevn.vn bình luận
Kha bình luận
Vo bi nghen phai lam sau?
Procarevn.vn bình luận
Lam ngoc han bình luận
procarevn bình luận