Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ (Ảnh minh họa)
Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ có lẽ là câu chuyện không bao giờ cũ mà các ông bố tương lai luôn muốn được nghe. Nó luôn sống động và bất ngờ, mỗi người mỗi vẻ, có lúc cười ngả nghiêng, có lúc phải thót tim, có lúc vỡ òa trong niềm hạnh phúc quá lớn. Chúng ta hãy cùng nghe trải nghiệm của những ông bố trẻ nhé.
1. Kinh nghiệm đưa vợ đi sinh của Ba bé Mít
Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ (Ảnh minh họa)
Mình chọn sinh dịch ở tại bệnh viện lớn là Từ Dũ vì con đầu lòng, nên chấp nhận cực khổ miễn con khỏe mạnh. “Phụ tùng đi sanh” rất gọn nhẹ do nhà mình cách bệnh viện chỉ 15 phút xe máy nên mình không lo, quan trọng nhất là tâm lý vững vàng, tài chính sẵn sàng là Ok. Đến ngày sinh, sau khi làm thủ tục ở khu cấp cứu, vợ mình lên trên lầu (khu sanh) và mình phải chờ ở dưới. Điều này làm mình sốc nhất vì bao nhiêu ngày đã chuẩn bị tâm lý “vượt cạn” cùng vợ.
Tại khu chờ, bệnh viện gọi là khu “Chăm sóc khách hàng”, bạn sẽ thấy ba màn hình LCD lớn. Trên các màn hình này, sẽ hiện thông tin tên mẹ, đang sinh/mổ, em bé trai/gái, ra đời lúc nào, trọng lượng. Cảm giác ngồi đợi rất khó chịu, vì không biết vợ mình thế nào. Có gì không rõ thì hỏi các bạn y tá đang trực tại đó.
Vợ vô cấp cứu lúc 16h30, mình đợi đến 22h50 mới nghe gọi tên, đến thì bảo đóng tiền ăn tối cho sản phụ để có sức mà đẻ. Sau này vợ kể mới biết là mở tới 5 phân vẫn còn đi tới đi lui được, y tá với hộ sinh ai cũng khen, thế là ăn và chờ mở thêm để được sanh.
Mặc dù vẫn phải tiếp tục ngồi đợi, lòng vô cùng nao nao, khó chịu. Nhưng về sau nghĩ lại, mình thấy thích chính sách này vì:
– Dù ở trong phòng sinh mình cũng không làm gì được cho vợ
– Bệnh viện đông, thân nhân còn lên đó thì làm sao quản lý nổi
– Giảm tình trạng đút lót.
Kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ (Ảnh minh họa)
Đợi mãi đến 3h50 sáng hôm sau (gần 12 tiếng sau khi nhập viện) thì nghe y tá gọi. Mình được báo “Vợ em sinh rồi, giờ em đi đóng tiền thêm và quay lại đây. Sau đó chị ghi giấy lên gặp mặt con”. Mừng vì vợ sinh thường (nếu sinh mổ họ sẽ gọi lên để ký giấy mổ), mừng vì sắp gặp được con, mình chạy lẹ đi đóng tiền.
Lên lầu hai thì thấy hộ lý đẩy vợ con mình ra. Con nằm sấp trên ngực mẹ. Mình kêu lên “Anh đây, ba đây con” và ôm hôn hai mẹ con lúc đấy. Cảm xúc ấy chắc có lẽ cả đời mình không quên được. “Bao ngày ba trông ngóng, bao ngày mẹ mang nặng, nhiều giờ mẹ đẻ đau. Cuối cùng, con mình cũng chào đời mạnh khoẻ. Cảm ơn vợ. Cảm ơn Con đã đến bên ba mẹ.” Mình không quên gỡ bao tay, bao chân, mũ của con ra kiểm tra, nhờ phước ông bà, con “lành lặn, vuông tròn”.
Sau đó hộ lý đẩy vợ con mình vào phòng “chờ sau sinh”, khoảng 10-12 giường. Hai mẹ con được thăm khám, nghỉ ngơi một lát, chờ ba đi chọn phòng dịch vụ, sắp xếp phòng.
Sau hai ngày rưỡi ngày nằm dịch vụ thì vợ con mình xuất viện. Mình làm thủ tục thanh toán, lấy giấy ra viện để bảo vệ xét trước khi ra cổng. Ngay tại đó có bàn làm giấy chứng sinh, giấy dùng để làm giấy khai sinh cho con sau này và có thời hạn là hai tháng. Sau đó là về nhà.
2. Kinh nghiệm đưa vợ đi sinh của Ba bé Hương
Hồi đưa vợ đi sinh, khi đang ăn nốt cà mèn phở, đã nghe gọi tên. Hết hồn chạy vào thì thấy vợ mặt méo xệch, đeo nhẫn vào ngón tay của chồng. Tôi cười hề hề “Hôm cưới thì không trao, chờ đến lúc đi đẻ mới trao nhẫn à?”, mấy em hộ lý mím môi nín cười. Ngồi chờ ngoài phòng mổ, vừa hồi hộp, vừa nghe mấy em thực tập nói chuyện với nhau “Sao lại sờ thấy hai cái đầu tròn tròn, chắc là sinh đôi!” Sau này mới biết các em ấy sờ phải mông nhóc Hương do con nằm ngang, bị kẹt không ra được nên mẹ nó phải mổ.
Kinh nghiệm đưa vợ đi sinh (Ảnh minh họa)
Không biết lúc mổ sinh, bác sĩ có bỏ hết bộ lòng ra ngoài không mà mới nằm, mấy bà y tá đã giục: “Dìu mấy cô ấy đi đi lại lại, chứ không là rối ruột đấy”. Thế là từng đôi dìu nhau chầm chậm như nhảy đầm điệu slow. Chốc chốc y tá lại hỏi: “Đánh hơi được chưa? Đánh hơi chưa?… Mệt quá!”.
Đêm đầu ở bệnh viện tôi đã nằm trên băng ca ở góc phòng để trốn mấy tay bảo vệ đi kiểm tra đuổi người nhà ra về. Cái băng ca hôi rình còn mấy bà vợ thì cười khúc khích. Phòng có năm bà vợ mà chỉ có một mình vợ tôi là có người chăm. Sáng dậy, tôi xuống căn tin mua đồ ăn sáng với năm chiếc cặp lồng, vừa đi vừa lẩm bẩm “Này là cháo thịt, này là cháo đường, này là sữa đậu nành…”. Thế mà vẫn nhầm, có người dỗi không ăn nữa chứ. Tôi nghĩ “Má ơi, ông nào có năm bà vợ thì chắc chết sớm!”.
Hôm sau vợ tôi chuyển lên phòng dịch vụ. Phòng có bốn bà đều sinh mổ, bốn ông chồng chăm sóc cưng chiều, bốn nhóc toàn phải nằm lồng kính, dây nhợ lằng nhằng. Kế hoạch tắm bia cho con bị phá sản, các ông bố đem bia ra nhậu với nhau.
Bốn ông được phát cho bốn cái ly nhựa với nhiệm vụ lấy sữa non cho các em bé, với lời dặn dò: “Mấy anh vắt sữa đi nhá! Của ai nấy vắt”. Thời ấy máy vắt sữa chưa thịnh hành, y tá hướng dẫn thêm: “Mấy anh dùng tay mà bóp! Mạnh vào không là về nhà mất sữa đấy”. Ôi trời! Thế là bốn cặp ngồi vắt. Các nàng ngượng đỏ bừng mặt. Tôi buột miệng: “Này, bọn mình trông cứ như ở trong… công viên Lê Văn Tám ấy nhỉ!” Thế là mấy nàng ôm bụng cười, sữa văng tung tóe. Mấy nàng xua tay bảo anh đừng nói nữa, em cười bung chỉ đấy. Nghe bảo có người từng bị bục vết mổ chỉ vì ho nhẹ thôi đấy, hú hồn.
Kinh nghiệm đưa vợ đi sinh (Ảnh minh họa)
Chuyện nuôi sữa cho vợ, tôi cũng nhớ mãi. Tới bây giờ nhìn món chân giò lợn hầm với đu đủ là tôi thấy nhói ở hai bên ngực rồi. Bà ngoài ngày nào cũng hai cặp lồng ứ hự cho con gái, vợ tôi thì chỉ húp lấy lệ rồi nhăn mặt buông thìa. Tôi bảo bà đem về thì bà gắt “Mày ăn đi chứ đem về làm gì!”. Sau mấy bữa chân giò lợn đu đủ ấy, cứ vào nhà tắm là tự dưng tôi lại đứng trước gương ngắm hai bầu ngực xem có biến đổi gì không, ăn thế có nhiều sữa không. Nhưng chắc cũng bổ dọc bổ ngang, bổ lang thang đâu đó nên tôi trông… phởn phơ hẳn ra.
Giấc ngủ đối với mấy cha chăm vợ đẻ là mê mệt và hun hút sâu, đến nỗi có cha bị vợ ném cái quạt, cuộn giấy vệ sinh vào người mà chẳng thấy cựa, vẫn rít ro ro. Sau đó anh này có sáng kiến lấy tã cột vào chân, vợ cần thì cứ giật dậy. Sáng kiến quá hay, mấy đêm sau các ông chồng khác được ngủ thoải mái, khi cần vợ anh đấy chỉ cần giựt tã là xong.
Vài hôm sau khi vết mổ đã lên da non, các bà vợ bắt đầu tán dóc với nhau: “Tụi mình sinh mổ cũng hay, vì không đụng tới cái kia, coi như vẫn còn zin, chồng nó đỡ chê, hê hê”. Tôi nằm trên ghế bố, trở mình “e hèm”. Một em hỏi: “Anh có nghe thấy gì không? Hí hí”. “Có, anh có nghe rõ ạ. Tại anh còn zin mà, màng nhĩ ngon lành”.
Đến khi mấy nhóc được ra khỏi lồng kính, ai đến thăm cũng cứ bảo: “Ôi! Con bé giống cha như lột!”. Tôi thấy hơi ngượng khi nghe thế. Mới sinh thì trông đứa nào chả giống đưa nào, mặt nhăn như… tổ tiên ấy mà. Ha ha ha.
Với người phụ nữ, vượt cạn là hành trình thiêng liêng nhưng cũng không kém phần đau đớn và hiểm nguy. Sự kề vai sát cánh, cảm thông và chở che, trên hết là tinh thần vui tươi lạc quan để lướt nhẹ qua những khó khăn của bố luôn là nguồn sức mạnh không thể thiếu cho cả hai mẹ con.
Tổng hợp từ Internet
Lê Thùy Trâm bình luận
Tui bị ói
Lê Ngọc Diệp Quân bình luận
procarevn bình luận