Chồng làm gì khi vợ sinh
Khi vợ có dấu hiệu chuyển dạ thì đồng nghĩa với thời khắc quan trọng sắp đến. Chồng nên làm gì khi vợ sinh để tốt nhất cho cả hai mẹ con? Bạn có thể tìm hiểu câu trả lời từ những lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa trong bài viết này.
Mục lục
1. Dấu hiệu chuyển dạ
Nếu có những dấu hiệu sau, bạn cần đưa vợ vào viện:
Cảm thấy đau mỗi khi bụng gò cứng, đều đặn khoảng 10 phút/cơn, mỗi cơn kéo dài 15 giây
Ra nhớt hồng âm đạo (dịch nhầy, dai và có lẫn ít máu)
Vỡ ối tự nhiên, ra nước loãng, màu trắng đục, có mùi tanh trong ở âm đạo (nước ối). Sau lần ra nước đầu tiên vẫn tiếp tục ra nước rỉ rả sau đó
2. Các giai đoạn chuyển dạ
Bạn hãy theo dõi từng giai đoạn chuyển dạ để biết cách giúp đỡ vợ khi sinh
Độ mở tử cung từ 1cm – 3cm
Các cơ co lúc này sẽ thường xuyên từ 3-5 phút, mỗi cơn dài 30-40 giây. Cô ấy sẽ có cảm giác khó chịu, buồn nôn. Bạn hãy nhắc cô ấy hít đằng mũi thở ra bằng miệng, thở nhanh và nông theo mỗi cơn co.
Nếu cô ấy cần ăn, bạn nên cho ăn nhẹ các thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, sữa, bánh ngọt.
Bạn hãy hỗ trợ cô ấy thực hiện các tư thế vận động để giúp giảm đau, giảm áp lực khi chuyển dạ. Không có tư thế nào là hoàn hảo nhất, mỗi sản phụ lại hợp với một vài thư thế nhất định, vì vậy bạn hãy giúp cô ấy thực hiện các động tác dưới đây để tìm được cho mình tư thế phù hợp nhất.
1.Tư thế lắc lư
Bạn hãy giúp cô ấy ngồi trên ghế, hai bàn chân chạm đất, thân người phía trên lắc lư qua phải và trái. Tư thế này sẽ giúp giảm bớt áp lực của mỗi cơn co
2. Tư thế nằm nghiêng một bên
Sau mỗi cơn co, hãy giúp cô ấy nghỉ ngơi thoải mái bằng cách nằm nghiêng để máu từ mẹ chuyển sang em bé được tối đa, giúp nâng đỡ bụng bầu và giảm đau lưng
3. Tư thế gục đầu vào thành ghế
Nếu vùng lưng bị đau mỏi do chịu áp lực từ các cơn co, hãy giúp cô ấy ngồi gục đầu vào thành ghế để cơ lưng được thả lỏng. Hãy massage vùng lưng để tạo cảm giác thoải mái cho vợ.
4. Tư thế quỳ gối
Một tư thế làm giảm áp lực lên vùng lưng khác là giúp cô ấy quỳ gối tựa lên một vật dụng nâng đỡ và êm, giúp phần nửa thân trên và tay của cô ấy được thư giãn.
5. Tư thế thư giãn
Hãy giúp tinh thần cô ấy được thư giãn, tránh tập trung quá vào những cơn đau trên cơ thể. Bạn nên giúp cô ấy bình tĩnh trong mỗi cơn co, thả lỏng cơ thể. Hãy hướng cô ấy suy nghĩ tích cực rằng mỗi cơn co sẽ giúp con chào đời, hoặc tập trung nghĩ về tương lai, những dự định cho con, hay cho cả gia đình.
6. Tư thế ngồi xổm
Ngồi xổm sẽ giúp khung xương cô ấy mở rộng hơn, gúp bé dễ dàng tụt xuống hơn. Bạn hãy kiếm cho cô ấy một chiếc ghế thật chắc chắn vì bụng cô ấy khá to nên ngồi xổm xuống sẽ gặp khó khăn.
7. Tư thế tựa vào chồng
Tư thế đứng thẳng cũng sẽ giúp cơn co thắt giảm cường độ, giảm đau, giúp em bé sẽ hướng xuống dễ dàng hơn. Bạn hãy đứng thẳng đối diện với cô ấy, ôm và massage dọc lưng và hông cho vợ. Có thể mở một bài nhạc nhẹ để cô ấy có thể đung đưa theo điệu nhạc trong mỗi cơn co.
8. Tư thế ngồi dựa vào giường
Bạn giúp cô ấy ngồi dựa vào giường, chèn thêm nhiều gối sau lưng để tạo thế ngồi thoải mái nhất và chắc chắn nhất, hai tay cô ấy ôm đầu gối hoặc cổ chân. Mỗi lần cơn co xuất hiện, nhắc cô ấy mở rộng gối để khung chậu cũng được mở rộng hơn, gúp cho bé xuống dễ dàng hơn.
9. Tư thế quỳ gối chống tay
Bạn cũng có thể dìu cô ấy quỳ gối và chống tay trên giường sẽ giúp giảm đau lưng cho mẹ và cung cấp oxy được nhiều nhất cho con trong quá trình chuyển dạ, giúp con xoay về tư thế thuận lợi.
Độ mở tử cung từ 3cm – 6cm
Giai đoạn này cô ấy sẽ trải qua những cơn co với mật độ dày hơn, khoảng 2 phút, độ dài từ 40-50 giây một lần. Lúc này đầu con sẽ xuống thấp hơn, màng ối sẽ vỡ tự nhiên.
Bạn nên chia sẻ, an ủi và động viên tinh thần để cô ấy yên tâm và cảm giác được an toàn. Hãy giúp vợ tập trung và giữ bình tĩnh, cùng hướng suy nghĩ cô ấy đến khoảnh khắc con chào đời.
Độ mở tử cung từ 6cm – 10cm (mở hết)
Giai đoạn này cơn co sẽ kéo dài dồn dập mỗi phút từng cơn, mỗi lần kéo dài khoảng 1 phút. Đầu con lọt vào âm đạo mẹ . Lúc này cô ấy sẽ có cảm giác muốn rặn, kèm theo cảm giác thấy run, chuột rút. Cô ấy sẽ được các bác sĩ tiếp tục chăm sóc và hoàn thành quá trình sinh nở trọn vẹn.
Sinh nở là một công trình vĩ đại được xây từ tình yêu thương, sự hy sinh, sức mạnh, lòng dũng cảm của cả hai vợ chồng. Những giờ phút bạn và cô ấy bên nhau sẽ là những giây phút khó quên và giàu tình yêu nhất, bởi vì nó chạm đến trái tim bạn khi có mặt hoàn toàn bên hai mẹ con và cảm nhận khoảnh khắc hạnh phúc thiêng liêng này.
Theo Procarevn.vn