Lần đầu tiên làm bố không tránh khỏi nhiều bối rối, ngỡ ngàng. Bố hãy tham khảo những kinh nghiệm thường gặp nhất được rút kết từ hàng ngàn các ông bố trẻ khác để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mẹ và con nhé.
1. Chăm sóc cuống rốn của con như thế nào?
Cuống rốn sẽ khô và nhanh lành hơn nếu bố để cuống rốn thoáng, không bịt kín, không đậy tã lên và nếu nó bị ướt, phải thấm khô hoàn toàn. Bố nên lau rốn bằng cồn I ốt để không bị nhiễm trùng và nó sẽ rụng mau hơn. Sau khi cuống rốn đã rụng có thể có vài chỗ rơm rớm máu, bố nên rửa và thấm khô cho tới khi lành hẳn.
2. Con cần bú bao nhiêu sữa trong những tuần đầu tiên?
Bố cần nhớ rằng bụng của con rất nhỏ bé, do đó lượng sữa con cần là rất ít, và thay đổi rất khác nhau trong chỉ vài ngày đầu tiên của cuộc đời. Vào ngày đầu, dạ dày của con chỉ có kích thước bằng một viên đá cẩm thạch và chứa được khoảng 5 ml sữa (khoảng bằng một thìa cà phê). Nhưng tới ngày thứ ba, bụng của con có kích thước bằng một quả bóng bàn và có thể chứa khoảng 25 ml sữa (khoảng một muỗng canh + hai thìa cà phê). Vào ngày thứ mười, dạ dày của con có kích thước bằng một quả trứng to và chứa khoảng được khoảng 60 ml sữa (khoảng 4 muỗng canh).
3. Làm thế nào để quấn khăn cho con?
Quấn khăn quanh cơ thể của con như một chiếc kén ấm áp, giúp con có cảm giác an toàn, yên tâm như những ngày còn ở trong bụng mẹ. Dưới đây là các bước quấn đơn giản và đúng điệu mà bố cần biết.
Cách quấn khăn cho con
4. Làm sao để hâm nóng sữa mẹ?
Đối với sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh, việc hâm nóng trước khi cho con uống là điều cần thiết cho hệ tiêu hóa non nớt của con. Sau khi sữa hút ra vẫn còn dư, mẹ thường để ngăn mát và hâm nóng hoặc ngâm nước ấm 40 độ C lại khi cho con bú. Bố nên học cách hâm sữa này để giúp mẹ chăm bé, đặc biệt là khi mẹ cần ngủ để được nghỉ ngơi. Sữa để tủ lạnh khi lấy ra sẽ có một lớp chất béo màu trắng đục đóng trên cùng, bố lắc bình để lớp chất béo hòa đều cùng sữa bên dưới.
5. Làm thế nào để tắm cho con?
Nguyên tắc chung là tắm nhanh để tránh con bị nhiễm lạnh, vì thế bố cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi giờ tắm bắt đầu. Nước ấm ở nhiệt độ 37-38 độ C. Bố dùng khăn bông thấm nước ấm, vắt khô, lau nhẹ vùng mắt, mũi, tai và mặt cho con. Từ từ thả con vào nước, từ chân lên dần đến lưng. Dùng khăn lau từ cổ đến chân, cuối cùng là lau vùng kín từ trước ra sau để tránh các vi khuẩn từ hậu môn có thể lây truyền sang bộ phận sinh dục. Sau đó bố bế con ra khỏi chậu, đặt vào khăn và quấn lại, dội một chút nước lên đầu con, xoa một ít dầu gội và rửa sạch ngay. Dùng khăn lau khô cả người con, tránh để nước đọng lại vì chúng có thể gây hăm.
6. Con cần dùng bao nhiêu tã?
Một em bé sơ sinh nên có ít nhất một chiếc tã ướt vào cuối ngày đầu tiên của cuộc đời, và nên tăng lên thành năm tã đến cuối tuần đầu tiên, số lượng có thể thay đổi một chút, tùy thuộc vào việc bé bú sữa mẹ hay sữa bột. Con sẽ có một lượng phân nhỏ mỗi ngày, màu sắc thay đổi khi sữa mẹ chuyển từ sữa non sang sữa già, từ màu đen sang xanh đến vàng mù tạt. Một em bé bú sữa công thức có thể có ít phân hơn, hình dạng phân lớn hơn, nhão hơn, có mùi hăng hơn phân của trẻ bú sữa mẹ và có màu như quang phổ của màu nâu: nâu sạm, nâu vàng, nâu xanh.
7. Làm thế nào để thay tã?
Bố tháo miếng dính 2 bên và dán ngay vào tã lót để chúng không dính vào người con, đặt 1 miếng giấy sạch lên trên tã bẩn và lau vùng sinh dục bằng một miếng vải mềm sạch. Sau đó, bố nâng mông con lên và gấp tã bẩn lại làm đôi, chỉ chừa lại phần sạch sẽ. Bố dùng khăn sạch lau phần phía trước. Với bé trai, bố nên dùng khăn phủ lên vùng kín để con không tè ngược lên. Với bé gái, bố lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn nhiễm vào bộ phận sinh dục. Bố thay tã sạch cho con, có thể thoa chút phấn rôm nếu cần thiết. Kéo miếng dán sẵn ở 2 bên tã rồi dính lại sao cho vừa ôm người con (nhét vừa 1 ngón tay).
8. Làm thế nào thể hiện tình yêu với con?
Hãy giữ mối liên lạc với con: ôm, vẫy chào, hôn,.. làm cho con cảm thấy được yêu thương. Rất nhiều ông bố ngại ngùng hay lúng túng khi bày tỏ tình yêu theo cách này. Con cần được sống trong tình yêu để có thể trở thành một đứa trẻ hạnh phúc.
Hãy thể hiện tình yêu với con
9. Nên nghe tư vấn nuôi con từ sách nào cho đúng?
Có rất nhiều sách hướng dẫn để nuôi dạy con ngoan và trở thành một bậc bố mẹ tốt. Không may là chúng luôn có mâu thuẫn với nhau: một quyển sách mách là khi con khóc, hãy dỗ dành con; quyển thứ hai bảo là hãy cứ để mặc con; quyển thứ ba ghi rõ bố nên bế con vài lần và bỏ mặc con vài lần; quyển thứ tư…
Vì vậy, bố phải tự nghiên cứu và đưa ra quyết định cho phù hợp. Hãy nói chuyện với bác sĩ, những bố mẹ khác, đọc sách, tạp chí về nuôi dạy con, các bài báo trực tuyến để có được càng nhiều thông tin càng tốt, sau đó hãy đưa ra quyết định.
10. Con thật sự cần gì nhất ở bố?
Con không quan tâm bố làm việc gì, đạt được bao nhiêu giải thưởng, có bao nhiêu bằng chứng nhận,.. Những gì con muốn nhất là thời gian khi ở bên bố. Mỗi câu chuyện, mỗi cái ôm, mỗi nụ hôn, mỗi khi bố phạt con, mỗi khi bố lau nước mắt cho con, mỗi lần bố mua quà thưởng cho con ngoan, mỗi khi con nhìn thấy bố làm việc tốt với mọi người,… tất cả sẽ được lưu dấu trong ký ức của con. Bố đang hình thành một tâm trí nhỏ ở đây, bố chính là hình mẫu noi theo, là anh hùng của con đấy.
Con luôn muốn bố ở bên cạnh con
Giai đoạn đầu đời của con là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng đọng lại nhiều niềm vui và kỷ niệm nhất. Lần đầu làm bố sẽ là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ vì mọi vấn đề về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, cách nuôi dạy con,… đã được bố chuẩn bị thật chu đáo và kỹ lưỡng cho con.