10 bí kíp chuẩn bị tinh thần cho ông bố “lính mới”
Trở thành một ông bố “lính mới” đem lại rất nhiều niềm vui nhưng cũng sẽ có căng thẳng và âu lo. Hãy cùng tìm hiểu làm thế nào để đối phó với những khó khăn khi làm bố và phát triển quan hệ tốt đẹp với con ra sao cho hiệu quả.
Mục lục
Xác định nguyên nhân căng thẳng
Không ai nói chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ dễ dàng. Là một ông bố mới, bạn có thể lo lắng về:
Số ngày nghỉ phép quá ít
Bạn không thể nghỉ khi con chào đời, hoặc rất khó sắp xếp để theo kịp lịch trình làm việc như trước và tìm thêm thời gian để dành cho con vừa chào đời.
Trách nhiệm mới
Trẻ sơ sinh cần sự chăm sóc liên tục. Khi cho con ăn, thay tã hay dỗ con khóc, bố mẹ phải tìm thời gian để làm công việc nhà hoặc các hoạt động khác. Điều này có thể gây căng thẳng cho các ông bố mới, đã quen với lối sống độc lập, tự do, phóng khoáng.
Thiếu ngủ
Bạn sẽ liên tục bị đánh thức do phải chăm sóc con. Thiếu ngủ có thể nhanh chóng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của các ông bố.
Ảnh minh họa
Căng thẳng về tài chính
Chi phí cho việc sinh con, chăm sóc sức khoẻ, tã, quần áo, sữa và các đồ dùng cho bé có thể tăng lên nhanh chóng. Căng thẳng tài chính có thể mệt mỏi hơn nếu bạn có kế hoạch chuyển nhà mới, hoặc thuê thêm người chăm sóc bé, hoặc một trong hai bố mẹ nghỉ không lương/ nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con.
Có ít thời gian với vợ
Thời gian của bố sẽ bị chia sẻ cùng con, có khi bạn sẽ cảm thấy bị bỏ rơi.
Giảm số lần gần gũi vợ
Thời gian cần phục hồi sau khi sinh, cơ thể kiệt sức và các căng thẳng sau sinh của vợ có thể làm ảnh hưởng đến đời sống gối chăn của bạn. Điều này có thể làm căng thẳng cho mối quan hệ của bạn.
Trầm cảm
Nghiên cứu cho thấy rằng một số ông bố cũng giống như các bà mẹ cũng trải qua kinh nghiệm trầm cảm ngay sau khi con chào đời.
Hãy chuẩn bị ngay trước khi con chào đời
Nếu mẹ bầu vẫn còn đang mang thai, hãy giảm bớt lo lắng bằng cách tích cực chuẩn bị tinh thần cho việc trở thành một ông bố. Bạn có thể:
1. Quan tâm hơn, dành tình yêu thương cho hai mẹ con
Trong thai kỳ, các ông bố không gặp phải những lời nhắc nhở hàng ngày của con giống như mẹ bầu. Hãy vuốt ve âu yếm vợ, em bé trong bụng có xu hướng cử động và di chuyển đến gần, rồi nằm cuộn dưới lòng bàn tay bố. Những lúc rảnh, bạn có thể xoa nhẹ lên bụng mẹ bầu rồi massage nhẹ nhàng toàn thân và tranh thủ trò chuyện với con. Một phút vuốt ve âu yếm bằng 5 phút nói những lời yêu thương. Những xung động làm lay chuyển lớp nước ối bao quanh bé và chạm đến làn da (cơ quan xúc giác có diện tích bao phủ toàn bộ thân thể con người). Nhưng lưu ý đừng vuốt ve bụng bầu quá nhiều nhé, nó sẽ gây nguy hiểm tới thai kỳ của cả hai mẹ con đấy!
Ảnh minh họa
2. Tham gia các lớp học tiền sản
Các lớp học tiền sản rất hữu ích vì cung cấp kiến thức cho bạn biết được điều gì sẽ xảy ra trong thời gian chuyển dạ và sinh nở, cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
3. Xây dựng kế hoạch tài chính
Xây dựng kế hoạch tài chính, lên kế hoạch tiết kiệm,… để giúp bạn chủ động hơn. Và một điều rất quan trọng là nhu cầu thật sự của con không nhiều. Bạn không nên chạy theo nhu cầu của mình mà quên mất nhu cầu thật sự của con. Ăn uống, quần áo, các vật dụng cá nhân… con chỉ cần đủ, không cần dư. “Con không chê cha mẹ khó”, bạn mua gì cho con, con sẽ sử dụng cái đó mà không hề phân biệt, lựa chọn. Nhu cầu uống sữa ngoại hiếm; quần áo đẹp và phải thay đổi liên tục, đồ chơi phải nhiều hay đắt tiền… tất cả đều là nhu cầu của bố mẹ, không phải của con.
Hãy suy nghĩ thật kỹ nhu cầu thật sự của con là gì, bạn sẽ thấy mình sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, và trong quá trình suy nghĩ tìm tòi đó, bạn sẽ phát hiện có rất nhiều lựa chọn sáng tạo khác thay thế, phong phú hơn. Chẳng hạn như nuôi con bằng sữa mẹ; tận dụng quần áo cũ của các em bé khác, vì loại quần áo này cần nhiều nhưng lại chỉ được dùng trong thời gian ngắn, quần áo sẽ nhanh chóng không vừa bé; tự mình sáng tạo đồ chơi cho con thay vì phải mua; nhờ ông bà giúp đỡ thêm trong việc chăm sóc cháu…
Ảnh minh họa
4. Nói chuyện với vợ để cùng sẻ chia
Thường xuyên trò chuyện về cuộc sống hàng ngày, mối quan hệ của hai vợ chồng có thể thay đổi như thế nào – những điều tốt hơn và tệ hơn – khi con chào đời. Cùng nhau chia sẻ và tìm ra các giải pháp phù hợp cho cả hai.
5. Suy nghĩ về những điều con muốn ở một người bố tốt
Hãy suy nghĩ về bố của bạn. Rút ra những điều bạn bạn học được từ bố và cả những kinh nghiệm mới bạn có thể làm tốt hơn với con. Kinh nghiệm của chính bạn, cách cảm nhận với bố trong vai trò một người con là những kinh nghiệm chân thật và sống động nhất, và chính bạn sẽ biết là nó có hiệu quả không, thay vì vô số những lời khuyên từ sách báo, chưa kể đến tính hiệu quả ở mức độ nào, bạn cũng không thể nào có thời gian áp dụng hết được.
Ảnh minh họa
Tiếp tục tham gia ngay khi con đã chào đời
Khi con đã được sinh ra, bạn hãy tìm cách để kết nối với gia đình mới, đã có thêm thành viên. Bạn có thể:
6. Chăm sóc cả hai mẹ con trong quá trình chuyển dạ và sau khi sinh
Hãy tham gia đồng hành của hai mẹ con nhiều nhất có thể trong những ngày quan trọng đầu đời của con. Bạn sẽ rất nhanh học được cách chăm sóc con, thiết lập sợi dây tình cảm liên kết với con và là niềm tự hào, hạnh phúc lớn với mẹ của bé, vì sự có mặt của bạn ở bên cô ấy, trong những khoảnh khắc khó khăn nhất.
7. Thay phiên nhau chăm sóc cho con
Hãy phân chia trách nhiệm chăm sóc con và thay phiên, hỗ trợ nhau. Nếu con bú sữa mẹ, hãy chủ động trong những nhiệm vụ khác như thay tã, tắm rửa, cho con bú bình từ sữa mẹ, dọn dẹp nhà cửa cùng vợ…
8. Chơi với con
Các bà mẹ có khuynh hướng vuốt ve nhẹ nhàng, chơi cùng con bằng các hoạt động nhẹ nhàng. Các ông bố thường chơi cùng con trong các hoạt động ồn ào hơn, mạnh mẽ hơn. Cả hai phong cách đều quan trọng, và nhìn thấy nụ cười của con chính là phần thưởng của riêng bạn.
Ảnh minh họa
9. Tăng tình cảm yêu thương, gắn bó với vợ
Sự gần gũi không giới hạn ở tình dục. Ôm, hôn và massage thân thể có thể giúp bạn giữ kết nối với vợ trong thời gian hồi phục sau khi sinh và khi cả hai đều đang thích nghi với những thói quen mới. Tiếp tục trò chuyện thẳng thắn, chân thành với bạn vợ về những thay đổi bạn đang trải qua và cùng tìm ra những cách để hỗ trợ lẫn nhau khi chăm sóc con.
10. Tìm kiếm sự trợ giúp
Nếu trạng thái chán nản, lo lắng tăng cao, hãy nói với các bác sĩ để được giúp đỡ. Trầm cảm nếu không được điều trị sẽ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình.
Trở thành một người cha mới là một bước ngoặt lớn, một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ thay đổi cả cuộc sống của bạn. Bằng cách nhận ra và lên kế hoạch cho những thách thức phía trước, bạn có thể giảm bớt căng thẳng và dành nhiều thời gian hơn để tận hưởng gia đình mới của mình.