Mong muốn gia đình hạnh phúc trọn vẹn, con cái đủ đầy luôn luôn thường trực ở mọi người. Những yếu tố tác động đến sức khỏe sinh sản nam giới được các bác sĩ tư vấn dưới đây sẽ giúp các ông bố hiểu và chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của mình, để hạnh phúc mỉm cười với mỗi gia đình.
Mục lục
1. Tuổi
Cùng với sự gia tăng của tuổi, mức testosterone bắt đầu giảm, khả năng di động và mật độ tinh trùng cũng giảm đi rõ rệt, đồng thời gia tăng các bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể tinh trùng.
Chất lượng tinh trùng suy giảm theo thời gian, mỗi năm ước tính thể tích tinh dịch giảm 0,03ml; tinh trùng di động giảm 0,7% và tổng số tinh trùng giảm 4.7%. Tỷ lệ vô sinh nam ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Nam giới nên có con trước 35 tuổi để mang lại cơ hội thành công cao nhất.
2. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống giàu carbohydrate, chất xơ, folate, và lycopene cũng như tiêu thụ nhiều trái cây và rau giúp chất lượng tinh dịch được cải thiện.
Chế độ ăn bao gồm đồ ăn nhanh, thức uống nhiều đường, đồ ăn nhiều muối cho thấy số lượng tinh trùng suy giảm, tăng tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bất thường. Việc tiêu thụ ít protein và chất béo cho thấy có nhiều lợi ích cho khả năng sinh sản.
Các chất chống Oxy hoá (arginin, Coenzym Q10, Omega 3, Vitamin C, vitamin E hay selen,…) có vai trò quan trọng giúp loại bỏ ROS (tác nhân oxy hóa có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh trùng: sự di chuyển, thay đổi ADN và giảm sự toàn vẹn của màng tế bào tinh trùng)
Xem thêm: Thực phẩm tốt cho tinh trùng
3. Trọng lượng cơ thể
96,5% nam giới béo phì gặp vấn đề về rối loạn cương dương. Nồng độ testosterone ở những người có BMI cao giảm 24% so với những người có BMI bình thường, đồng thời tỷ lệ tinh dịch đồ bất thường cũng cao hơn. Chỉ số dinh dưỡng BMI>25 làm giảm khả năng sinh sản.
Những người thiếu cân cũng có nguy cơ vô sinh. Người ta thấy rằng, ở những người thiếu cân nồng độ tinh trùng thấp hơn người có BMI bình thường.
4. Tập thể dục
Theo Hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, tập thể dục thường xuyên (5 lần/1 tuần, mỗi lần ít nhất 45 phút) và chế độ ăn hợp lý sẽ làm tăng tỷ lệ có con. Tập thể dục không chỉ làm tăng sự tự tin và sức khoẻ của bạn mà nó có thể làm tăng mức testosterone. Những người đàn ông có hoạt động thể chất vừa phải sẽ có hình thái tinh trùng tốt hơn đáng kể (15,2%),
Tuy nhiên, nếu luyện tập quá sức sẽ làm giảm tinh trùng ở nam giới. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, đi xe đạp nhiều hơn 5 giờ / tuần làm giảm số tinh trùng di động và nồng độ tinh trùng.
5. Tác động tâm lý
Những căng thẳng trong công việc, cuộc sống và thậm chí cả các căng thẳng xã hội cũng có ảnh hưởng đáng kể đến mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng, hình thái học tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới.
Sự căng thẳng và trầm cảm làm giảm sự kích thích testosterone và hoocmon luteinizing (LH), phá vỡ chức năng sinh dục, làm giảm sự phát triển tinh trùng và các thông số tinh trùng.
6. Dùng chất kích thích
Cần sa: Ở nam giới, cần sa làm giảm testosterone, giảm sinh tinh trùng, giảm khả năng di chuyển tinh trùng, giảm khả năng tinh trùng và giảm phản ứng acrosome (phản ứng cực đầu giúp tinh trùng chui vào thụ tinh với trứng).
Cocaine: Sử dụng lâu dài cocaine có thể làm giảm kích thích tình dục; nam giới cảm thấy khó đạt được và duy trì sự cương cứng và xuất tinh. Cocain đã chứng minh có ảnh hưởng bất lợi đến sự hình thành tinh trùng.
7. Hút thuốc lá
Những người nghiện thuốc lá có số lượng tinh trùng giảm 19% so với những người không nghiện thuốc lá. Người ta nhận thấy sự suy giảm nồng độ testosterone và sự toàn vẹn DNA của tinh trùng có mối liên quan chặt chẽ với việc hút thuốc lá.
Theo PGS. TS Vương Tiến Hòa, hút thuốc lá và uống rượu là những nguyên nhân dẫn đến suy giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng. Đặc biệt những người nghiện thuốc lá mật độ tinh trùng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, sau khi bạn ngừng hút thuốc, tinh dịch đồ có phục hồi một phần.
8. Rượu
Ở nam giới, tiêu thụ rượu có liên quan đến nhiều phản ứng phụ tiêu cực như teo tinh hoàn, giảm ham muốn tình dục và giảm số lượng tinh trùng. Rượu dường như có ảnh hưởng lớn đến hình thái và sức khỏe của tinh trùng.
Có một số bằng chứng kết luận rượu có liên quan tới stress oxy hoá và vô sinh. Các stress oxy hóa được thấy có tăng lên với đồng thời với mức tiêu thụ rượu.
9. Mặc đồ lót
Bộ quần lót của nam giới làm bằng sợi (như polyester) sản sinh ra yếu tố điện tích tĩnh điện do sự cọ sát giữa da bìu và sợi tổng hợp. Mặc đồ lót chật với chất liệu polyester hoặc các đồ lót thể thao quá chật (như của vận động viên thể thao) gây ảnh hưởng không tốt đối với chức năng sinh sản.
Lời khuyên đưa ra cho nam giới là nên mặc đồ rộng, thoáng với 100% vải cotton; không nên mặc đồ lót chật được làm từ các sợi tổng hợp.
Xem thêm: Thủ phạm gây tinh trùng yếu
10. Nhiệt độ
Sự sản sinh tinh trùng phải diễn ra ở nhiệt độ nhất định, và thậm chí nhiệt độ cơ thể của chúng ta cũng quá nóng, vì vậy tinh hoàn được cấu tạo ở bên ngoài để giữ cho mát. Nếu bạn làm điều gì đó quá nóng tinh hoàn của mình, nó có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình sản xuất tinh trùng.
Tắm nước nóng thời gian dài, tắm bồn nước nóng, xông hơi hay thói quen dùng máy tính sách tay đặt lên đùi thường xuyên gây ra tình trạng ấm lên của cơ quan sinh dục mà có thể ảnh hưởng đến tinh trùng
11. Môi trường sống
Ô nhiễm không khí:
Nam giới sống ở nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao thường có biểu hiện tinh trùng bất thường, giảm khả năng di chuyển và tăng cơ hội phân mảnh DNA
Nhiễm kim loại nặng:
Chì: có trong pin, sản phẩm kim loại, sơn, gốm sứ, và ống dẫn… Chì làm thay đổi nồng độ hormon, thay đổi sự khởi phát của tuổi dậy thì, giảm chất lượng tinh trùng và giảm số tuổi sinh sản ở nam giới.
Thủy ngân: gặp trong nhiệt kế, pin, và khí thải công nghiệp, thức ăn hải sản bị nhiễm độc. Thủy ngân có thể phá vỡ sự hình thành tinh trùng và phá vỡ sự phát triển của bào thai.
Thuốc trừ sâu và các hóa chất khác.
Đàn ông tiếp xúc thuốc trừ sâu và dung môi hữu cơ khiến các thông số tinh trùng giảm tổng thể. Sự suy giảm tinh trùng tăng khi mức độ tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng càng nhiều
12. Sự bức xạ
Bức xạ dưới dạng tia X và tia gamma có thể gây tàn phá đối với các tế bào nhạy cảm của cơ thể người. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và liều dùng. Thậm chí bức xạ có thể gây vô sinh vĩnh viễn.
Sử dụng điện thoại di động có liên quan đến sự giảm đi tính di động tiến tới của tinh trùng, giảm khả năng sống sót của tinh trùng, tăng ROS, tăng hình thái tinh trùng bất thường và giảm số lượng tinh trùng. Tuy nhiên không có kết luận rõ ràng vì nhiều nghiên cứu còn có những hạn chế.
13. Một số bệnh
Bệnh quai bị: nếu mắc ở trước tuổi dậy thì sẽ ít khả năng xảy ra biến chứng, nhưng mắc sau dậy thì tỷ lệ biến chứng là 10-35%. Biến chứng do quai bị dẫn đến viêm một hoặc 2 bên tinh hoàn, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Khối tĩnh mạch giãn xung quanh tinh hoàn giống như một hồ máu nóng làm tăng nhiệt độ tinh hoàn hơn 0,6 – 0,8 độ C so với bình thường. Chính sự gia tăng nhiệt độ tinh hoàn lâu ngày làm hư hại cấu trúc tinh hoàn.
Một số bệnh nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, sinh dục như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt,… ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của nam giới.
14. Dùng thuốc
Yếu tố gây nguy cơ cho tinh trùng nhất là dùng kháng sinh, tiếp theo là những người có bệnh dạ dày và thuốc điều trị dạ dày, kế đến mới là bị bệnh quai bị.
Một số thuốc ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như:
Ketoconazol, cimetidin, quinin, phenytoin: làm giảm quá trình sinh tinh trùng. Thuốc hạ huyết áp (nipedipin) làm giảm tỷ lệ thụ thai, kháng sinh làm suy giảm khả năng di động của tinh trùng, suy giảm tinh trùng,..
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là bạn hiểu và có cách sinh hoạt phù hợp để tối đa hóa kết quả sinh sản. Khi hiểu được tác động của lối sống đến sức khoẻ sinh sản và tích cực sửa đổi thì nam giới và phụ nữ hoàn toàn có khả năng kiểm soát khả năng sinh sản của mình.
Theo Ths Lê Đình Hồng, TS Nguyễn Xuân Hợi – Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Hà Nội.
Tài liệu tham khảo: www.ncbi.nlm.nih.gov